Cô kể bán hàng thế này cũng tạm đủ để nuôi một cậu con trai đang học đại học ở Hà Nội. Sau đó có một cuộc hội thoại thế này.
Mình: Sao cô không bảo em ý đi làm thêm đỡ mẹ?.
Cô (giãy nảy): Không cháu ơi, con trai nó mà có đồng ra đồng vào thì nó lại chơi bời, vào quán nét, rồi lô đề đấy. Bây giờ mẹ cho bao nhiêu thì biết tiêu bấy nhiêu.
Mình: Thế cô không cho em nó giữ tiền bao giờ à?
Cô: Cô tính toán sao cho nó ăn đủ trong 15 ngày, rồi sau 15 ngày lại gặp mẹ đưa thêm.
Mình: Nhưng chẳng nhẽ cứ như thế mãi?
Cô: Thì bao giờ nó học xong, nó lấy vợ, thì vợ nó lại lo tay hòm chìa khóa. Đàn ông không biết giữ tiền đâu cháu ạ.
"Đàn ông không biết giữ tiền" là một nhận định ăn sâu vào tiềm thức của những người phụ nữ xung quanh mình. Mẹ mình bảo "có tiền là phải găm ngay vào thắt lưng nhé." (diễn giải: đừng cho chồng biết). Bạn chưa lấy chồng thì lo lắng "nhỡ lấy phải thằng chồng ăn tiêu hoang phí, thì biết bao giờ mới có tiền mua nhà?". Bạn nữa, có chồng rồi, thì tặc lưỡi "chồng tớ cũng kiếm được, nhưng thanh niên mà, gặp bạn bè là lại rút ví, nên cuối cùng cũng không để ra được mấy."
Người ta nói nhiều về việc phụ nữ bị áp bức, bị chịu bất công, nhưng ít khi nhắc đến việc phụ nữ cũng là những người góp phần duy trì và củng cố những tư tưởng cầm tù chính họ. Một trong những lối suy nghĩ rất có hại, mà lại rất phổ biến, là việc "trẻ thơ hóa" (infantilize) đàn ông, cho rằng họ không có những phẩm chất của người trưởng thành, như biết chịu trách nhiệm, biết tính toán cho tương lai, biết kiềm chế những thỏa mãn tức thời để bồi đắp cho một thành quả lâu dài. Chính vì lối suy nghĩ đàn ông thì không biết tiết kiệm, không biết lo xa, không biết nghĩ cho người khác, mà phụ nữ khắp nơi nơi vẫn tiếp tục gánh mọi trách nhiệm lên vai mình.
Gánh nặng đó nhiều khi thể hiện thành những nốt bầm tím trên vai bà mẹ gần 60 tuổi hom hem mà nhất định không chịu để cậu con trai thanh niên sức dài vai rộng của mình làm việc. Gánh nặng đó cũng có thể cô đọng lại trong hình hài những ông chồng cả đời không vào bếp, và ở tuổi ngũ tuần tự hào nói với con cái rằng: "bố luộc trứng cũng không biết, lúc nào cũng có người phục vụ."
Đừng vội quy chụp rằng kiểu suy nghĩ này chỉ có ở Việt Nam. Tây cũng có câu "boys will be boys", xuề xòa mỗi khi những người đàn-ông-trẻ-con làm việc gì đó thiếu trách nhiệm. Nhưng có ai nói "girls will be girls" bao giờ đâu.
Để hạnh phúc hơn, phụ nữ cần tôn trọng đàn ông. Sự tôn trọng ấy, thể hiện trước tiên ở việc đối xử với họ như những người ngang hàng, có khả năng chịu trách nhiệm với bản thân, với vợ, với con cái, và cũng cần vun vén cho gia đình không kém gì mình.
Xét cho cùng, tờ đăng kí kết hôn là một hợp đồng pháp lý được kí kết giữa hai người trưởng thành và có ý thức cơ mà, đâu phải giữa một phụ nữ trưởng thành và một cậu thiếu niên?
Vân Nguyễn