Tôi ra trường 9/1978, khi ấy huyện Lục Yên còn heo hút, khó khăn vô vàn, người mù chữ vô số, giáo viên thiếu trầm trọng. Chúng tôi về phòng nhận công tác. Tôi được điều vào đội chuyên trách xóa mù chữ của huyện, mang ánh sáng văn hóa đến những bản làng heo hút nhất. Đến mỗi nơi mở một lớp XÓA MÙ CHỮ, vài tháng bà con đọc viết được, lại đi xã khác. Điểm đầu tiên tôi đến là thôn Kẽo Kè của xã Phan Thanh: là một bản nhỏ gồm mấy chục hộ người Dao, nằm gọn dưới thung lũng, bốn phía là đồi núi, dân 100% mù chữ. Thú thật, lúc đầu cũng nản, giáo viên trẻ, chưa có kinh nghiệm, học sinh thì lôm côm đủ mọi lứa tuổi, từ 12,13 đến hơn 30, cả các em đã có gia đình. Ngôn ngữ bất đồng , vốn tiếng phổ thông các em rất hạn chế.
Giáo viên chỉ có hai cô, dân dựng cho một cái chòi giữa đồng, vừa ở vừa dạy học luôn, bàn ghế không có, học sinh vào lớp ngồi cục cây, hòn đá... hiệu lệnh vào lớp cô dùng khúc cây đập vào( gọi là mõ). Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi đã xâm nhập thực tế, gần gũi dân bản, học tiếng dân tộc Dao, và tôi đã nói được hầu hết các từ thông dụng ( đủ giao tiếp) đến bây giờ vẫn nhớ nguyên. Học sinh vô cùng quý cô giáo, có gì cũng mang cho, từ mớ rau, con cá, củ sắn, củ khoai... Tình cảm giản dị ấy đã làm vơi đi những chông chênh lo lắng nơi chúng tôi. Có hai cô, khi 1 cô về phòng lấy sách, phấn.. còn 1 cô ở lại, trò đến ngủ bạn. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng đi làm nương rẫy giúp dân. Tình cảm ngày càng gắn bó.
Đường đi lúc bấy giờ 100% đi bộ, trèo đèo lội suối, đường rừng rậm rạp, vừa đi vừa cầm dao phát đường. Tuổi trẻ, lòng yêu nghề đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Kết thúc khóa học, khi tôi chuyển đi, cả đoàn học sinh ôm cô giáo khóc như mưa! Tiễn ra tận cuối bản, các em nam còn dùng thuyền đưa chúng tôi đến xã bạn Phúc Lợi, để tiếp tục hành trình gieo chữ. Đến xã nào cũng vậy, đều vào những bản xa xôi mù mịt nhất để mở lớp xóa mù. Hết năm học chúng tôi đã đi được 4 xã, hoàn thành 4 lớp xóa mù chữ.Thưa với quý vị, ngày đó chưa biết gì về ngày 20/11 cả.
Tháng 9/1979 tôi được điều về trường cấp 1+2 Tô Mậu. Tôi đã lập gia đình và công tác ở đây đến tận ngày nghỉ hưu. Qua 9 đời hiệu trưởng, 4 lần nhà trường chuyển địa điểm. Biết bao biến cố, thăng trầm, bao kỷ niệm khó quên, có ngọt ngào cay đắng và cả những giọt nước mắt. Trên 30 chuyến đò tri thức đã cập bến bình an, chắp cánh cho ước mơ của các em. Nhiều thế hệ học sinh thành đạt, kỹ sư, bác sỹ, nhà nghiên cứu..
Nay sống ở quê, vui cảnh điền viên, thi phú, tôi vẫn nhớ về trường cũ với bao hồi ức đẹp. Trên 30 năm công tác, ngày 20/11 chỉ nhận từ các em những bông hoa dại của núi rừng, vẫn làm chúng tôi ấm lòng và càng thương học sinh hơn, bởi làng quê còn nghèo khó. Nay viết lại những dòng này tôi lại thấy mắt mình cay cay, ứa lệ...
Nhân dịp NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM, tôi xin kính chúc tất cả những người đã và đang thực hiện sứ mệnh trồng người, nhất là các bạn đồng nghiệp của tôi trên facebook:luôn dồi dào sứa khỏe, đong đầy niềm vui và ngập tràn hạnh phúc. Gửi lời chào thân thương nhất đến các đồng nghiệp quý mến, nhân dịp 20/11.
Lục yên, Yên Bái ngày 19/11/2016
Phạm Thành
NHỮNG CHÙM THƠ 20-11 CHỦ ĐỀ THẦY CÔ, TRƯỜNG LỚP:- Chùm thơ lục bát tri ân, nhớ ơn thầy cô giáo hay nhất
- Chùm thơ lục bát chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày 20-11
- Chùm thơ lục bát viết về mái trường xưa, ký ức học trò
- Chùm thơ nhớ về thầy cô giáo cũ nhân ngày hiến chương
- Thơ 20-11 hay viết về thầy cô, trường lớp (tổng hợp)
- Chùm thơ chúc mừng thầy cô (song thất lục bát khoán thủ)
- Chùm thơ hay viết về thầy cô giáo vùng cao, vùng sâu-xa
- Chùm thơ 20-11 chủ đề Nhớ Ơn Thầy Cô Giáo rất hay
- Những bài thơ chế vui nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
- Những bài thơ thăm lại trường xưa thật xúc động
- Chùm thơ chúng tôi là giáo viên, tâm sự của thầy cô
- Chùm thơ hay viết về nghề giáo (nghề dạy học)
- ......