"Bác ấy là một tiểu thư đài các nhưng duyên mệnh đặt vào nghiệp bút mà đa đoan, sinh năm 1917 ở Nông Cống, thập niên ba mươi bác ấy đã vào Nam. Cụ Tham Kỳ (Bố vợ trước của nhà thơ Hữu Loan) gần nhà bác ấy hay lên nhà mà bảo rằng: Con gái của quan tùy bộ làm việc ở tòa sứ Phan Thiết, tiếng Pháp rất giỏi đã đẹp người lại khéo về nữ công nên người đến dạm hỏi nhiều lắm..."
Người con gái xứ Thanh mà nhà giáo Nguyễn Đạt sinh thời nhắc đến chính là Mai Đình nữ sĩ, người bạn tình thơ chung thủy cũng là người yêu cuối cùng của Hàn thi sĩ lúc ở dương trần. Sinh ra ở Nông Cống tỉnh Thanh, nhà của Mai Đình nữ sĩ gần với nhà ông Tham Kỳ (Làm việc ở bộ canh nông Đông Dương). Giữa thập niên 30 thế kỷ trước Mai Đình là một khuê các, lại sinh trong gia đình quyền quý, tiếng thơm đồn đến kinh kỳ và khắp xứ Bắc Hà, nhiều gia đình khoa bảng thời ấy muốn hỏi cưới cho các công tử thuộc hàng gia môn. Số nhà 60 phố Bà Triệu thành phố Hà Nội bây giờ là nơi tiểu thơ Mai Đình từng ở lúc ra học trường Pháp. Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lãng Giang một dòng sông mang nhiều huyền tích liêu trai gắn liền với tên tuổi của nhiều thi nữ tài hoa xứ Thanh. Khởi nguồn từ miền núi tỉnh Thanh, dòng Lãng Giang cùng với Hoàng Giang (Sông Nhà Lê) là hai con sông tự nhiên nhỏ nhưng lại có mặt lâu đời trong nhiều câu chuyện kể liên quan đến nhiều sự tích xưa là thế. Đoạn chảy qua Nông Cống lòng sông rộng uốn khúc quanh co, do hợp lưu với sông Mực chảy từ Như Xuân ra nên sông Lãng Giang lớn hơn ở trung và thượng lưu rất nhiều. Trước khi đổ ra biển Đông sông Lãng Giang được gọi cửa Lạch hay sông Cầu Ghép cũng là một. Dân gian xứ Thanh lưu truyền rằng “Bên bờ Lãng Giang nếu nhà thờ họ tộc nào ngoảnh mặt ra Bắc sẽ sản sinh anh hùng, còn ngoảnh mặt về Nam sẽ sinh văn nhân”. Đem lời này hỏi những người lớn tuổi am hiểu về địa lý phong thủy thì đa phần đều nói rằng là đúng. Bởi theo dòng lịch sử còn ghi xứ Thanh- Nghệ là rường cột quốc gia nên trời sinh Văn nhân và Tướng quốc để bảo vệ giang sơn là cái lẽ tự nhiên vốn có. Trở lại với những dòng họ quê Nông Cống thuở ấy, nhiều quan bộ phủ xuất thân từ đôi bờ Lãng Giang là minh chứng cho một miền quê có nhiều công lao với giang sơn tổ quốc. Thân phụ của Mai Đình là quan chánh trực, mặc dù làm việc cho chính phủ dưới thời Pháp thuộc nhưng cụ cùng với cụ Tham Kỳ (Người sinh ra nhân vật nữ trong bài thơ Màu tím hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan) sau độc lập (1945) được Bác Hồ và chính phủ mới mời ra cộng tác trong công cuộc xây dựng chính quyền non trẻ. Từ dòng dõi thanh nho ấy, những năm giữa thập niên Ba mươi của thế kỷ trước Mai Đình dạy học ở Sài Gòn, nàng làm thơ, đăng báo và gửi các văn đàn. Tiếng thơm đồn xa, văn nhân thời ấy mến một Mai Đình nhi nữ mà chính thức dành thêm cho chữ “Đình” ngay sau chữ Mai là tên gọi thông thường. Năm 1936 Hàn Mặc tử nổi tiếng với hàng loạt bản tình thơ lay động cả bóng trăng tà và sương mai trước ngõ. Mai Đình lúc ấy cũng là một độc giả trung thành với lối viết rất “Tình” của Hàn Mặc Tử mà cảm lòng mến mộ, một mình lặn lội ra Quy Nhơn thăm người tài hoa thảo bút giữa đời. Cũng từ cái ngày gặp gỡ định mệnh với Hàn Mặc tử ở Quy Nhơn ấy thiên phận của một tiểu thư đài các rẽ sang một hướng chiều có chữ “Buồn” nơi khóe mắt. Sinh năm 1917 năm 1936 Mai Đình tròn 20 tuổi (Tuổi âm lịch) Mai Đình đẹp như vầng trăng lúc “Đụn địn” nghiêng giữa thềm đông đã làm say cây bút trên tay Hàn Mặc Tử mà uốn lượn ngày ngày thảo ra những dòng tuyệt bút cho hậu thế nhân sinh.
Là người tài hoa lại đa cảm và biết chữ tài hay đi liền chữ mệnh, Mai Đình đã thổi linh hồn của sự sống vào thơ Hàn Mặc Tử những lúc cuối đời. Tuyển tập thơ Đôi Hồn mà người viết bài này nhắc đến chính là bản hợp tấu song tình còn lại giữa chốn bụi hồng của cặp đôi Hàn Mặc Tử- Mai Đình ghi lại những khoảnh khắc chữ yêu được ví bởi nồng say mà biến thành cao thượng. Một đời đi qua chữ tình nhân thế, bóng trăng tựa khói tựa sương, giai nhân tựa mây tựa nước, Hàn Mặc Tử có rất nhiều mối tình thơ chìm đắm cuồng si và cả thơ mộng. Những Hoàng Cúc- Mộng Cầm- Thương Thương- Lệ Kiều đều đã đi qua. Trăng mây bàng bạc, khói rẽ lam chiều, người nơi trần thế quằn quại bởi chữ yêu mà “Chết ở trong lòng một ít” rồi trở về ngàn thu sầu lắng. Hàn Mặc Tử có thể nói đã lấy thơ gột rữa bụi trần mà làm chất xúc tác để Mai Đình trở thành huyền thoại thơ khi viết bài Ghen Trăng. Ghen Trăng là bài thơ có thể nói là tuyệt tác mà Mai Đình để dành cho hậu thế, ghen trăng cũng là bài thơ giữ lửa cho tập thơ Đôi Hồn bao gồm 28 bài song bút tồn tại suốt gần thế kỷ mà không cho in ấn. “Hãi hùng em sợ trăng thanh/ Vắng em, anh lại tự tình cùng trăng..”…
Trở lại với người con gái xứ Thanh năm ấy, sau những ngày bên quãng đời còn lại của Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn. Theo lời kể của Quách Tấn thì “Mai Đình thương lắm, gần bên mà chẳng được lời. Thư qua song cửa chứa đời sầu bi..”. Đời sầu bi ấy là câu chuyện tình đẹp nhất trong chốn văn chương mà đời nay hiếm có. Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, những năm tháng về sau Mai Đình cất kỹ tập thơ Đôi Hồn như một báu vật. Tập thơ viết tay bao gồm 28 bài khởi phát từ bài “Biết anh” lúc Mai Đình từ Sài Gòn ra Quy Nhơn. Sau đó Hàn Mặc Từ viết bài “Lưu luyến” mạch thơ cứ thế chảy cùng nằm tháng cho tới khi Hàn Mặc Tử kiệt sức và qua đời cũng là lúc bài thơ “Ghen Trăng” đi vào huyền thoại một đời nhi nữ tài hoa. Một câu chuyện thú vị cũng theo Quách Tấn kể: “Mỗi lần đối mặt với Mai Đình, biết mình bạo bệnh nên Hàn thường nhắc đến Mộng Cầm nhằm ý để Mai Đình tránh ra. Mai Đình biết ý ấy mà vờ như không chú ý cứ làm thơ yêu thương để Hàn vơi đi sầu muộn. Cuối cùng chính sự cao thượng của chữ tình đã làm nên một chữ ghen lạ kỳ giữa đời là Ghen Trăng. Có lẽ với Mai Đình thì chỉ có Trăng mới đủ nét đẹp diễm kiều để Hàn mê mà lơ đãng với mình. Thế thôi!”
Vòng quay nhân thế, con người ta tao phùng được là bởi chữ duyên nơi Phật pháp hướng sinh. Năm 1997 trong một lần vào tới Sài Gòn, nhà giáo Nguyễn Đạt tới thăm nữ sĩ Mai Đình lúc ấy đang ở cùng con cháu tại nhà riêng trong một con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh. Nghe nói người đồng hương lại có mối thâm giao cùng gia đình cụ Tham Kỳ ở Nông Cống. Nữ sĩ Mai Đình mừng lắm, người cảm thương cho số phận nghiệt ngã của cô Lê Đỗ Thị Ninh (Người con gái trong bài thơ Màu tím hoa sim). Người không nhắc chuyện xưa mà chỉ lần hồi trong ký ức tuổi thơ về một miền quê non ước có trăng nghiêng bàng bạc nơi bến đò ngang của dòng Lãng Giang thuở ấy. Tập thơ Đôi Hồn được đem ra từ trong ngăn tủ. Người viết bài này lúc ấy chứng kiến từng trang giấy qua nét chữ nhạt nhòa của thời gian vàng úa. Do lúc ấy tuổi còn nông mà không nghĩ rằng gần 20 năm sau cuộc tái ngộ âm dương nơi đồi Thi Nhân bên bờ Ghềnh Ráng một chiều thu đã lôi về miển ký ức một thời hữu duyên gặp được.
Xứ Thanh vào mùa gió heo may về những hàng cây kè xòe cánh chạy dài dọc theo cánh đồng Vạn Hòa tít tắp ghi dấu bước thu phong của một thời sản sản sinh bóng dáng văn nhân lưu bước. Từ miền quê này Mai Đình nữ sĩ đã khoác áo thi nhân mà ra đi, một đời qua duyên mệnh, chữ tình nhân thế đã thổi hồn cho những vần thơ đi vào dòng chảy văn học sử Việt Nam mà làm nên vóc dáng những giai thoại khó quên. Trăng vàng lại nghiêng theo cánh lá trên đồi Thi Nhân, sóng lại rì rào lúc chiều sang nơi biển Ghềnh Ráng vỗ bờ như ấp ôm thương nhớ ngàn năm. Bâng khuâng trong hoài cảm một màu thu, màu thu ấy vương nhẹ tiếng trần ai của lời thơ xưa nghe hoang hoải giữa dòng đời. Xin mượn lại mấy câu trong tập thơ Đôi Hồn để kết thúc cho bài viết của một người gần 20 năm trước theo cha đến gặp Mai Đình nữ sĩ, lúc ấy nữ sĩ từng nói: "Sẽ canh giữ cho Đôi Hồn sống mãi".
“Rồi buổi chiều kia em tới thăm
Thăm người thi sĩ chốn xa xăm
Mà vần "thơ mới" làm rung động
Xa gọi hồn em mau tới gần”.
(Trích bài Biết Anh- Mai Đình)
“Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì”.
(Trích bài Lưu Luyến- Hàn Mặc Tử)
…Quy Nhơn tiết sang thu Bính Thân 2016
Nguyễn Quang Vinh