Ví dụ như hôm nay, mình thấy việc có thể chọn người mình dành thời gian cùng là một diễm phúc lớn khi không bị bó buộc vào một công việc và những người đồng nghiệp quanh năm không đổi.
Mấy hôm nay thời tiết Hà Nội rất đẹp. Không khí trong vắt, nắng vàng rực, trời xanh ngắt, cúc họa mi thì nở trắng đường. Dân chúng rùng rùng kéo nhau lên bãi đá sông Hồng chụp ảnh. Mình ba hôm nay cũng có mặt ở gần bãi đá vào lúc 7.30 sáng, nhưng là để đi tuốt lá đào.
Ngồi chênh vênh trên một cái thang nhôm, đầu đội nón, tay đeo găng, công việc của mình là tuốt hết sạch những chiếc lá xanh, nhưng không làm hỏng nụ. Bác Toan, chủ vườn đào, than thở rằng "Đào năm nay kém lắm, mọi năm bằng tầm này là nụ phải bằng con ruồi rồi. Giờ vẫn bé tí, vì tháng 7 mưa nhiều quá."
Và bác kể rất nhiều chuyện. Những người nông dân thường không biết rằng họ có một tài năng vô cùng đặc biệt, đấy là làm sống lại cả một thế giới qua những câu chuyện được kể bằng những niềm vui, nỗi buồn, những toan tính và cả sự bất lực của họ. Câu chuyện của bác có rất nhiều tiếng thở dài. Ngày xưa chỗ này là ruộng ngô, sau nhà nước lấy đất ở đồng đào để mở đường thì nhà bác chuyển sang đây. Chỗ này cũng vào quy hoạch rồi, mấy năm nữa thấy bảo sẽ mở đường rộng 60m, rồi mở thành phố bên sông. Bác già rồi, chắc chỉ làm được 1-2 năm nữa. Sau đấy cho lại các con cho chúng nó làm. Rồi đến khi nào nhà nước lấy nốt chỗ này nữa thì hết, làng đào Nhật Tân này rồi cũng hết.
Bác là một người nông dân trong phố. Bác gọi nơi mình sống là cái làng. Bác kể về hội làng có đám rước với những cô trinh nữ và hàng người mặc áo đẹp đi trẩy hội dài lượt thượt. Bác nói về ông cụ lái đò qua sông có ba vợ và hàng chục người con, khi ông qua đời sáu mươi mấy người cả dâu cả rể ngồi xổm thành hàng dài rồi nâng quan tài của bố qua đầu. Tục lệ ở đấy nó thế, con ạ. Giữa những lời nói chuyện rổn rảng của bác là tiếng nhạc sàn xập xình phát ra từ các khu chụp ảnh.
Nghề trồng đào quả lắm công phu. Bác chỉ vào một cây đào, nói với mình, cái này là để cắm đằng sau vô tuyến, vì cành vươn ngang ra. Có đào tròn, đào đứng, đào cành, đào thế, đào rừng. Khi một người khách đến chọn đào tại vườn, bác sẽ hỏi người ta trần nhà cao bao nhiêu, góc nhà thế nào, khung cảnh căn phòng ra sao, nếu cắm vào bình thì bình cao mấy thước, rồi sau khi họ đã chọn được cây đào ưng ý, thì bác mới phải đôn cây lên cao và chăm chút để cây ra rễ trước khi về nhà mới. Mình hỏi, "sao bác không đào cây lên chuyển cho người ta luôn?" thì được trả lời rằng "cây mới đào lên, chưa có rễ, về người ta trồng bị chết thì mình không có đức."
Cả năm chăm vườn mấy trăm cây đào, bác tất bật. Mỗi tháng sửa một lần, khi cây cuối vườn tỉa cành xong thì cây đầu vườn đã lại túa xua. Cuối năm thì phải tuốt lá, chỉnh dáng. Mùa hè có bão thì phải ra chống cây, buộc các cây vào nhau cho khỏi đổ. Khi trời lạnh quá thì phải tìm cách che, khi trời nóng quá lại phải tìm cách ủ. Bác bảo, dù có khéo đến mấy thì cũng phụ thuộc thời tiết. Chỉ cần hoa nở sớm hay nở muộn vài ngày là cũng thất thu.
Những số phận như bác, có vẻ gì từa tựa như những cành đào sau mấy ngày tết đã bị quăng ra xe rác, hoặc đốt làm củi. Bên ngoài, xe máy và ô tô vẫn nườm nượp đi vào vườn hoa và bãi đá. Chẳng ai để ý một bà già lụi cụi quét lá thành từng đống giữa các luống đào.
Mấy chục ngày nữa đường ở đây sẽ đông nườm nượp, nhưng khi không cần nữa, người ta sẽ chẳng thương tiếc gì những nụ đào e ấp đong đầy sự chờ mong, nỗi khó nhọc, và cả những thắc thỏm đợi nắng mưa của những người nông dân ở phố. Những người nông dân bao nhiêu đời cặm cụi trồng hoa để mang lại vẻ đẹp cho thành phố này, rồi cũng sẽ bị gạt đi, khi mảnh đất cuối cùng của họ trở thành những khu đô thị hào nhoáng.
Còn mình thì chưa bao giờ hết biết ơn và xúc động bởi sự hào phóng của những người chất phác như bác, chia sẻ với một người không quen là mình cả một kho tàng vốn sống và những kỉ niệm, mà chẳng mảy may nghĩ ngợi gì.
Vân Nguyễn