Nhắc Phạm Duy, phần đông đều nghĩ ngay Thái Thanh. Một bên "Cây đại thụ nền Tân nhạc Việt Nam" bên còn lại là "Con chim đầu đàn nền Tân nhạc Việt Nam". Sự kết hợp "ăn ý" này, nhạc sĩ Phạm Duy từng bộc bạch qua Paris By Night 48, chủ đề Hình Ảnh Cuộc Đời: "...Nếu tôi không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy." Đơn vị tác phẩm Phạm Duy gửi hậu thế không tính bằng chục, trăm, mà phải lên đến hàng ngàn chia thành nhiều thể loại: Nhạc kháng chiến, Nhạc quê hương- tự tình dân tộc, Nhạc tình đôi lứa, Nhạc tâm tư, Trường ca, Rong ca, Đạo ca, Thiền ca, Tâm ca, Tâm phẫn ca, Tục ca - vỉa hè ca, Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ, Tị nạn ca, Hoàng Cầm ca, Hương ca, Dị khúc...
Tân nhạc Việt Nam, hai nhạc sĩ được xưng tụng "bậc thầy phổ thơ" gồm Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Tuy nhiên, tôi luôn xếp Phạm Duy cao hơn Phạm Đình Chương một bậc. Trong cuộc đời, có những người mất đi không bao giờ thay thế được, và Phạm Duy thuộc số ít ỏi ấy. Phạm Duy tài hoa từ cách chọn tác phẩm đến việc nhìn thấy tương lai sáng rực tiềm ẩn nơi một tác giả trẻ tuổi hay tài năng bị lãng quên. Ông chỉ cần "bắt cóc" tác phẩm họ gắn lên khuông nhạc, điểm thêm chút vần điệu, ngay lập tức mọi người sẽ "đổ xô" tìm về tác giả, Nguyễn Tất Nhiên là ví dụ điển hình. Phạm Duy phải sở hữu trí nhớ lẫn trình độ cảm thụ tuyệt vời để không trùng lắp bất kỳ bài nào. Đôi lúc thơ phổ nhạc Phạm Duy ra đời hay hơn bản gốc tác giả viết.
Phạm Duy muốn mình là "Chứng nhân thời đại", ông tìm tòi, khai thác tối đa ở mảng dân ca, nên người nghe bắt gặp tần số cao sự xuất hiện làn điệu dân ca Bắc Bộ quen thuộc.
Phạm Duy nay ra người thiên cổ, một đời sống hết mình với đam mê nghệ thuật, nếm trải bao trái đắng, ngọt ngào kiếp người, tôi vẫn nhớ về ông, dù ông đang xa lắm...
"Cuộc đời tôi chỉ có ba điều quan trọng: Tình yêu, Sự đau khổ và Cái chết. Tôi đã thể hiện ra cả ba vấn đề đó trong nhiều ca khúc... Dù tôi hiện đang sống một cuộc đời phỉ nguyện, tôi đã có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau... Coi như tôi đã sống tới tận cùng của cuộc sống."
Nguyễn Vỹ