LỜI TỎ TÌNH CỦA LÍNH ( Tinh Nguyenhuu)
Bài thơ “ Lời tỏ tình của lính” của nhà thơ Tinh Nguyenhuu quả là một ca khúc thực sự bắt đầu từ thể thơ ngũ ngôn vui nhộn, từ những giai điệu rộn ràng, từ tình yêu ngọt ngào chớm nở của người lính trẻ và cô gái nhỏ ở quê nhà. Ban đầu, tình yêu đó được trao gửi trong những cánh thư đi về giữa tiền tuyến – hậu phương, những bức ảnh, những nỗi nhớ nhung thiêu đốt và những lời ước hẹn lứa đôi. Tình yêu đó được diễn đạt rất chân thật bằng hành động, tâm lí của đôi bạn trẻ đang còn e ấp, bẽn lẽn, ngại ngùng thật đáng mến:
"Chỉ còn năm ngày phép
Gặp nhau mà khép nép
Liếc nhìn xa mãi xa.”
Và rồi, những điệp khúc dồn dập ở mấy khổ cuối bài thơ như cảm xúc được dâng trào, tuôn chảy không ngừng nghỉ trong trái tim anh:
“Hỡi người em gái nhỏ
Cho anh ngỏ đôi lời”
Lời anh ngỏ cùng em là sự trải lòng về nỗi niềm nhớ thương da diết trong xa cách, nhớ khóe mắt môi cười, nhớ đôi môi thắm đỏ của người con gái anh thương; là lời hẹn ngày trở về cùng tính chuyện nên đôi; là nỗi nhớ mong thắm thiết của người đang yêu; là lời tỏ tình chân thành và mãnh liệt: “Anh yêu em mất rồi”, “Anh yêu rồi biết không?”.
Chất nhạc của bài thơ trong veo, gợi được sự đồng cảm, lay động trái tim biết bao người, làm cho ta mê mẩn, đắm chìm trong cảm giác của:
“ Những thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”
( Thế Lữ)
KỶ NIỆM TRÊN ĐƯỜNG ĐÁNH MỸ ( Trần Thanh)
Tôi đặc biệt ấn tượng về tác giả Trần Thanh qua một lần tình cờ đọc bài viết mà ông đăng mấy bức ảnh chụp những bài thơ ông sáng tác thời còn trong quân ngũ, thơ rất hay, nét chữ rất đẹp, nắn nót, chỉn chu. Mới đây, nhà thơ lại đăng hai bài có lẽ được rút ra từ quyển sổ thơ đó: Bài “ Kỉ niệm trên đường đánh Mỹ” và bài “ Chiếc khăn tay”. Hai bài thơ là hai bài tình ca tuyệt vời.
Bài thơ được lấy cảm hứng từ mối tình đẹp đẽ, nên thơ của anh chiến sĩ và cô dân công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay từ những câu đầu tiên , người đọc đã cảm nhận được cảm xúc nhẹ nhàng, thân thiết trong câu hỏi của người lính trẻ ấy:
“Đường em đi đánh Mỹ
Trường Sơn mây quấn quanh
Có bao giờ Em nghĩ
Đặt lên dấu chân Anh ?”
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, con đường Trường Sơn được ví như túi bom đạn của kẻ thù. Con đường đầy gian khó, hiểm nguy và chết chóc ấy lại là nơi hành quân đầy thi vị vì những người lính không hề đơn độc, bên họ có đồng đội sát cánh và còn có hình bóng người con gái thương yêu. Trên mỗi con đường rừng gập ghềnh, mỗi dốc đá cheo leo, mỗi con suối nhỏ và cả bầu trời sao đêm khuya đều in dấu người yêu ở đó khiến cho bước chân họ thêm vững vàng, trong lòng họ thêm động lực và ý chí của họ thêm quyết tâm:
“Nay Em vào hỏa tuyến
Cũng trên con đường này
Vẫn cảnh xưa lưu luyến
Có thấy lòng hăng say ?”
Đẹp hơn cả là tình yêu nhỏ được đặt trong tình yêu lớn, mang ước vọng trở thành lẽ sống của các chàng trai, cô gái lúc bấy giờ:
“Vững bước đi Em nhé
Chiến trường ta chung lòng
Dấu chân son nhỏ bé
Băng gian khổ lập công”
Lời nhắn nhủ đầy yêu thương, tin tưởng dành cho người yêu thương thật cảm động, như tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm cho cô dân công trên đường ra hỏa tuyên.
Đó là mối tình được vun đắp từ tình đồng chí, họ có chung lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ một thời, họ là những biểu tượng sáng ngời, kiêu hãnh của thế kỉ hai mươi.
CHIẾC KHĂN TAY ( Trần Thanh)
Chiếc khăn dù trên vai người chiến sĩ là kỉ vật mang linh hồn của bài thơ, ở một khía cạnh nào đó nó được diễn đạt sóng đôi, để là vật hữu hình gửi gắm tâm tư người nữ chiến sĩ – em gái nhỏ trong bài thơ. Chiếc khăn ấy anh đã được một người con gái thêu tặng trong một lần anh bị thương và được cô chăm sóc ở bệnh xá tiền phương, nó được diễn tả trong hai trạng thái khác nhau:
Trạng thái thứ nhất là hình ảnh chiếc khăn xinh đẹp thêu hình một bông hồng đỏ thắm, một đôi chim bồ câu quấn quýt bên nhau, chiếc khăn sẽ theo anh ra chiến trường đánh giặc, sẽ cùng anh trở về xây dựng quê hương. Người em gái ấy thêu chiếc khăn tay mà như thêu cả vào đó tâm tư, tình cảm của mình, cô gửi gắm tình yêu và biết bao hi vọng về một ngày mai tươi sáng.
Trạng thái thứ hai lại là hình ảnh chiếc khăn thêu rách nát, còn người em gái nhỏ đã hi sinh trong bom đạn của kẻ thù. Lời thơ hay lời từ trong lòng người chiến sĩ mà nghẹn ngào, đau đớn, xót xa:
“Chiếc khăn thêu rách nát
Anh nắm chặt trong tay
Mắt căm hờn thiêu đốt lũ máy bay
Khăn còn đó nhưng em đã mất
Bom đạn thù lấp em vào lòng đất
Chiếc khăn thêu rách nát vẫn bên mình
Em gái ơi lửa cháy lòng anh
Anh phải trút lên đầu lũ quỷ
Không ! anh thể nào nằm nghỉ
Phải ra đi trả mối thù này”
Thì ra không chỉ có niềm vui và hạnh phúc mới tạo ra sức mạnh lớn lao. Nỗi đau và sự mất mát cũng có thể biến thành lòng căm thù, thành ngọn lửa sức mạnh thiêu đốt quân xâm lược.
NGƯỜI YÊU LÍNH ĐẢO TRƯỜNG SA ( Trần Ngọc Hòa)
Bài thơ là một bản tình ca đầy xúc động trên bến cảng Cam Ranh chiều cuối năm, một cuộc chia tay được tạo ý, tạo hình đều rất đẹp mà ở đó, mỗi một lời của người vợ trẻ nói với chồng, động viên chồng lên đường bảo vệ trọn vẹn lãnh hải Tổ quốc mình đều đẹp như một nốt nhạc ở trên khuông:
“Hãy vững tin ! đi giữ đảo anh ơi
Nguyện thay anh, lo việc nhà việc nước
Chung thủy, sắt son vẹn toàn sau trước
Khi Tổ quốc cần... biết sống xa nhau”
Yêu nhau nhưng lại phải xa nhau chắc chắn là điều xưa nay không ai mong muốn cả. Người con gái ấy không phải là sắt thép đâu, nhưng chắc chắn một điều là cô phải yêu chồng lắm, hiểu chồng lắm và biết đặt tình yêu Tổ quốc lên trên tình yêu đôi lứa thì cô mới có thể kìm nén được tình cảm trong lòng như thế, và lời thể hiện tình yêu cũng đầy tự hào như thế:
“Tình yêu mình, trong tình yêu đất nước
Em tự hào, vợ lính đảo Trường Sa"
Không chỉ trong chiến tranh mới sinh ra những liệt nữ, ở thời nào thì đức hy sinh, tấm lòng vị tha của những người vợ ở hậu phương cũng tiếp thêm sức mạnh và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho người chiến sĩ, thật đáng trân trọng. Nếu như bài thơ “ Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ được coi là Bản tình ca thời lửa cháy thì bài thơ “ Người yêu lính đảo Trường Sa” của Trần Ngọc Hòa chính là Bản tình ca màu xanh thời hòa bình.
VỢ LÍNH ( Hoa Chu Van)
Bài thơ được sáng tạo dưới hình thức lá thư của người vợ chiến sĩ gửi chồng canh giữ ngoài đảo xa. Bức thư vì thế không chỉ mang hương vị quê nhà mà còn thắm đượm tình yêu và lòng chung thủy của người vợ trẻ quyện trong vị mặn mòi của biển khơi.
Cũng giống như người con gái kiên cường trong bài thơ “ Người yêu lính đảo Trường Sa” của Trần Ngọc Hòa, chỉ qua mấy dòng thư mà chúng ta hình dung được những nét đẹp đẽ, đáng yêu nhất của người vợ ấy. Chị thực sự là một hậu phương vững chắc để người chồng yên tâm công tác, chắc tay súng giữ gìn biển đảo quê hương: Một tay lo việc đồng áng, chăm sóc mẹ già, lo toan, vun vén hạnh phúc gia đình và đặc biệt là tình yêu của chị dành cho chồng thật bền bỉ, sâu nặng, nó được lặp đi lặp lại ở mỗi khổ thơ, nó hằn in trong mỗi điều chị nghĩ, mỗi việc chị làm. Tất cả tâm sự tha thiết ấy đều hướng cả về người chồng yêu dấu:
“Anh yên nhé việc nhà em gắng
Ngoài biển khơi anh thắng quân thù
Gặp nhau qua những lá thư
Vị mặn của biển thấm từ tay anh”
Và chị kết thúc lá thư bằng lời ước hẹn với chồng:
”Anh sẽ giữ yên bình biển đảo
Hậu phương em dâu thảo vợ hiền
Biển đảo cùng với đất liền
Cùng nhau gìn giữ bình yên nước nhà”
Mối tình chồng vợ lúc này không còn là sự nhỏ bé, riêng tư nữa, mà nó mang hàm ý hoán dụ cho cái lớn lao hơn nhiều, là lời hẹn ước đinh ninh của biển đảo và đất liền, của sự bình yên cho Tổ quốc thân yêu.
THƯ CỦA LÍNH ( Lãng Du Khách)
“ Thư của lính” là một bài thơ phác họa chân thực bức tranh gian nan, nguy hiểm, khốc liệt ở chiến trường mà người lính từng nếm trải. Nơi mà khói súng, đạn bom của kẻ thù không có mắt, thần chết không thích đùa. Ở nơi mà những khoảnh khắc mộng mơ, giây phút riêng tư sống trong niềm thương nỗi nhớ cũng trở thành phút giây hiếm hoi, xa xỉ. Trong hoàn cảnh ấy, những cánh thư nhà là những cơn gió mát làm dịu đi sự hủy diệt của chiến tranh nhưng niềm vui ấy dường như chẳng bao giờ trọn vẹn, bởi thư vừa mới nhận đã phải cất túi áo sờn, thư đang viết dang dở cũng vội để trong ba lô vì có lệnh hành quân gấp trong đêm. Nhưng những câu thơ bộc lộ cảm xúc tột đỉnh, niềm hạnh phúc nhảy múa trong tâm can người lính lại là những câu thơ khiến người đọc cảm thấy rưng rưng:
“Nhận thư vợ tim anh rạo rực
Trên sa trường thao thức hết đêm
Chờ cho mặt trận dịu êm
Anh mang ra đọc bên thềm hố bom.”
Biết rằng, cuộc chiến tranh của ta là chính nghĩa, chống lại kẻ thù xâm lăng nhưng nó đã tước đi của những người lính biết bao niềm vui tuổi trẻ, gây ra bao nhiêu sự chia cắt, đọng lại bao niềm mong mỏi đợi chờ, nhớ nhung và cũng khắc khoải cháy lên những ước mơ, những hy vọng về một cuộc sống bình an, về những tia nắng mặt trời của nền hòa bình.
Khép lại những bài thơ, những bản tình ca đẹp của tháng Mười Hai đầy rạo rực và mê say nhưng dư âm của nó vẫn sẽ còn vang vọng mãi trong lòng người. Nó nhắc ta ghi nhớ, tự hào về những năm tháng tuổi trẻ của cha anh mình, cũng giúp ta hiểu rằng tình yêu và những vần thơ đầy màu sắc lãng mạn của những người lính trên đường ra trận đã làm dịu đi sự khắc nghiệt của chiến tranh, tiếp thêm cho các anh sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.
Những bản tình ca ấy vang vọng mãi trong ta hôm nay như một thứ ánh sáng tuyệt vời chiếu soi vào tâm hồn và bước chân tuổi trẻ. Lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương, khát vọng học tập, tu dưỡng để cống hiến cho quê hương vẫn luôn hiện hữu trong dòng máu nóng của tuổi trẻ ngày nay nhưng cái dư vị tình yêu trong trẻo, thánh thiện đầy thi vị của thế hệ trước có lẽ đã trở thành những câu chuyện cổ tích mất rồi. Để rồi, mỗi năm, khi tháng Mười Hai về, được nghe lại những bản tình ca người lính lại khiến lòng mình xúc động, mê say và nao nao nhung nhớ…
QN, ngày 21/12/2016
Hoàng Thục