- Ngày 22/12/1944 tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, theo chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy (Sau này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1979). Đội Việt Nam tuyền truyền giải phóng quân lúc ấy – chính là tiền thân của quân đội nhân Việt Nam hiện đại và chính quy ngày nay.
Hầu như trong mỗi gia đình hay dòng họ của mọi người dân Việt Nam ta hẳn có ít nhất là một thành viên hay rất nhiều thành viên tham gia quân ngũ chống giặc. Trong những tháng năm chống giặc gay go, quyết liệt ấy, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi người dân là một anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí, chung câu quân hành…
Em là chiến sĩ như anh
Vai ba lô nặng, quân hành xá chi
Cấp trên giao nhiệm vụ gì
Lo hoàn thành chẳng ngại vì trí, trung.
Thương nhau, dẫu nói ngập ngừng
Trái tim bổi hổi chưa từng dối gian
Lính yêu chẳng ước cao sang
Quân hàm, phù hiệu, đàng hoàng mũ sao.
(Thơ Nang Nguyen)
Vâng đúng thế! Trong nhiều gia đình của chúng ta hiện nay thường chung sống với nhau ba thế hệ. Thế hệ nào cũng quang vinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam.
Lòng xúc động nghẹn ngào
Tôi đến thăm các chị
Mong các chị yên nghỉ
Trên mảnh đất quê hương.
Lời nhắn nhủ nhớ thương
Nén hương trầm cháy đỏ
Trong lòng tôi nhớ rõ
Tiểu đội bốn xung phong
Tên mười nữ anh hùng...!
(Thơ Tím Lăng Bằng sau chuyến đi thăm Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc)
Suốt mấy chục năm trường kỳ kháng chiến chống giặc thù, nền thi ca Việt Nam đã sản sinh ra cả một loạt nhà thơ xuất sắc. Thời chống Pháp, ta có thể kể đến các nhà thơ: Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn…
Thời chống Mỹ, chúng ta có hẳn một đội ngũ các nhà thơ mặc áo lính: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Y Phương…
Đêm nỗi nhớ ôm ghì đáy dạ
Con đừơng chiều có lá me bay
Bão lòng như gió hờn mây
Màu xanh áo lính bỗng lay tim sầu...
(Thơ Vo Linh)
Theo thiển ý cá nhân tôi: Thơ về anh Bộ đội Cụ Hồ đã đạt được những thành tựu rực rỡ, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua.
Nhân lễ kỷ niệm 22/12 thiêng liêng này, những người làm thơ trẻ chúng ta cần học hỏi và thấm sâu hơn nữa những giá trị thi ca cha ông đã để lại cho đời sau.
Chờ anh nhé ... khi bình minh ló rạng
Anh sẽ về viết muôn áng thơ say
Như lời thương vạn kiếp tới tỏ bày
Yêu là nhớ dẫu nay chưa đoàn tụ
(Thơ Minh Minh)
Từ đấy phát huy, kế thừa và nâng cao chất lượng thơ viết về anh bộ đội Cụ Hồ của thời nay, viết về niềm cảm phục của thế hệ mình đối với những vầng sáng vinh quang trong kháng chiến chống giặc của cha ông chúng ta!
Bâng khuâng nhớ một thời trong quân ngũ,
Nhớ mối tình xưa cũ vẫn còn vương.
Nhớ da diết đất biên cương yêu dấu,
Nhớ bạn cùng chiến đấu giữa đèo cao.
Nhớ bao đêm mình dưới ánh trăng sao,
Kề báng súng lời ngọt ngào khẽ tỏ.
Yêu tha thiết mối tình đầu chớm nở.
Trong muôn ngàn gian khó vẫn bên nhau...
(Thơ Tai Nguyen)
... Vâng! Mùa đông buốt giá thực sự đã về len lỏi vào từng chân lông kẽ tóc của con người và vạn vật... đồng thời ngày kỷ niệm thiêng liêng 22/12 cũng đang về gõ cửa mọi tâm hồn yêu nước… Hẳn là sẽ xua tan lạnh giá và thay vào đó là những cảm xúc sôi trào ta dành cho người lính. Nào, chúng ta, những trái tim Việt Nam trẻ trung hãy lắng lòng mà chắt ra tự hồn mình những vần thơ tinh tuý nhất để ca ngợi những anh hùng trên mặt trận chống giặc thù, bảo vệ non sông Việt Nam thân yêu nhé - Các bạn yêu thơ của tôi !
(Mời bạn bè có thơ giao lưu hãy đăng phía dưới phần góp ý của bài viết này nhé)
Japan, lúc 6 giờ 30' sáng 16/12/2016
Trân trọng
Nguyễn Tuyết Mai
* Tiêu đề do người đăng tự đặt
Xem thêm: Thơ hay viết chào mừng ngày 22/12, ngày thành lập QĐND VN