Trà Vinh - âm ba tiếng vọng hồn thiêng (nhà báo Nguyễn Quang Vinh)

Cách Sài Gòn khoảng hơn 3 giờ xe ô tô chạy, hướng Long An- Tiền Giang- Bến Tre theo quốc lộ qua Mỏ Cày Nam xuống phà (hoặc lên cầu) Cổ Chiên là đến vùng đất Trà Vinh (thuộc tỉnh Vĩnh Bình của Việt Nam trước 1975 và sau 1976 bao gồm một phần tỉnh Cửu Long). Trà Vinh. vùng đất đi vào huyền thoại với biết bao kỳ tích gắn liền với lịch sử khai bờ mở cõi và dựng xây đất nước của lớp lớp ông cha. Khi nhắc đến Trà Vinh, ta nghĩ ngay về một vùng quê có sông nước hiền hòa, bốn bề bao bọc bởi các nhánh sông Cửu Long xuôi chiều đổ ra Nam biển Đông. Trà Vinh hưởng lợi từ đức mẹ thiên nhiên ưu đãi cho quanh năm mưa thuận gió hòa, tạo ra muôn vàn sản vật trên bờ dưới nước không thiếu một thứ gì. Con người đồng đất Trà Vinh bao đời nay cần mẫn, hiền lành sống bên đồng ruộng bát ngát, một năm đôi mùa lúa một mùa hoa màu tươi tốt đem lại nguồn thu lớn mà những nơi khác ít khi có được.

Qua sông Cổ Chiên, dòng sông mà người xưa ghi nhiều dấu ấn. Chữ “Cổ” lấy trong âm của từ “Cổ lại” (Người đánh trống) mà ra, chữ “Chiên” theo tiếng bản địa cũng có nghĩa là Chiêng (Chiêng dùng để khua khi cần phát hiệu lệnh). Giai thọai xưa truyền rằng: Sau trận đại chiến Rạch Gầm Xoài Mút gần 5 vạn quân Xiêm (Thái Lan) đại bại dưới tay vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Người Xiêm kinh hồn bạt vía tháo chạy và chỉ số ít sống sót nương thuyền ra biển trở về cố quốc. Vua Gia Long lúc ấy thế cô phải đem quân tướng xuôi dòng ra biển Đông nhằm hướng Tây Nam ẩn náu rồi tìm cơ hội tính kế lâu dài. Khi đi qua khúc sông này đêm trước có thần Long Thủy hiển linh báo mộng cho vua Gia Long biết nên bỏ hết chiêng trống xuống lòng sông thì thuyền vua sẽ đi qua an toàn. Đêm sau vua Gia Long ngang qua khúc sông, truyền lệnh bỏ hết chiêng trống xuống dòng Cổ Chiên bây giờ và lặng lẽ dong thuyền nhằm cửa biển thẳng tiến. Khúc sông ấy kể từ đó những đêm thanh vắng cư dân ven bờ thường nghe giữa dòng vọng lên tiếng quân reo, tiếng chiêng khua trống dục. Mỗi lần như thế bà con lại tổ chức nghi lễ cúng vọng thần linh binh tướng cầu xin sóng yên gió lặng cho thuyền bè xuôi ngược bình an và mùa màng tươi tốt.

Qua sông Cổ Chiên, cuộc hành trình xuôi về phía hạ lưu nơi miền đất Trà Vinh nổi tiếng trong huyền thoại với đặc thù của sông ngòi, đồng đất cư dân gắn liền với chùa chiền, những nơi thờ tự linh thiêng. Du khách ngang qua làng mạc thôn xóm, những cánh đồng lúa bát ngát mênh mông mà có thể tự hồi bước dừng lại ngắm lúa đồng Trà Vinh một năm đôi độ vào mùa “Con gái”, ngắm màu xanh của lá của trời, của mây của nước. Hương đồng dịu nhẹ hòa lẫn nắng, gió chiều sẽ đem ký ức người đi trở về với nỗi nhớ của ngày còn bé theo anh theo chị đi cắt cỏ ngoài đồng nơi chốn quê xưa.

Làng mạc ruộng đồng dần khuất, thành phố Trà Vinh hiện ra. Sách Nam Kỳ lục tỉnh chép rằng: “Dọc triền Cổ Chiên xuôi về hạ lưu, nơi nào cây cao bóng cả dưới đó ắt có Phật tự ngàn năm”. Chùa Âng Trà Vinh ngôi cổ tự được hình thành từ thế kỷ thứ 9 (Năm 990) là một trong đại diện của hàng trăm cổ tự thờ Phật mà người Khmer gây dựng để làm nơi tu hành thiền niệm. Ai đã đến Trà Vinh chưa có dịp ghé thăm Chùa Âng thì cũng có thể cảm nhận được sắc thái cảnh quan Chùa Âng qua các tư liệu phổ biến. Lối vào Chùa Âng nằm không xa quốc lộ, một vùng đất cây cối quanh năm xanh tốt và cao vút đến lưng chừng tầm mắt. Phía trước cổng vào là một hồ nước rộng với khoảng không cả mấy ngàn mét vuông, chung quanh toàn cây cổ thụ cao ngất sừng sững án ngữ dọc lối đi. Sự ngỡ ngàng trong giây phút ban đầu khi du khác biết mình đang lạc vào giữa một rừng gỗ dầu, gỗ sao cổ thụ hàng trăm năm tuổi dễ gì nơi nào còn giữ được nguyên sơ. Các tài liệu còn ghi và cư dân bản địa cũng cho biết đây là Ao Bà Om cùng với Chùa Âng một quần thể di tích được bộ văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng, cấp bằng quốc gia vào năm 1994. Mặt nước ao Bà Om xanh trong với những sóng nước lăn tăn ôm lấy cột tháp biểu tượng của nền văn hóa Khmer giữa ao. Gió đồng lộng thổi, hàng cây xào xạc buông những cánh lá la đà in soi mặt nước. Quanh bờ đếm không hết những thân cây cổ thụ cao to bằng cả người ôm, dưới những gốc cây tạo hóa và mẹ thiên nhiên đã nặn từ những bộ rễ cây những hình thù kỳ dị hấp dẫn, ngộ nghĩnh lạ thường. Nếu du khách đến đây lúc chiều tà sẽ thấy thấp thoáng phía xa ông mặt trời soi qua kẻ lá, in bóng vần mây đậu trên mặt nước trông như một bức tranh siêu thực đẹp đến lạ thường. Lần giở lại những tư liệu cổ xưa được các sử gia chép lại và truyền qua cư dân bản địa thì thấy có truyền thuyết nói về sự tích ao Bà Om rằng:
“Để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm nam và nữ đồng thời cũng để quyết định bên nào thua sẽ phải đi cưới hỏi bên kia. Bên nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn cho thả đèn lồng ở phía đông làm cho nhóm nam tưởng là sao mai đã mọc nên nghỉ sớm, sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích tuy đã cạn nước. Ao của nhóm nữ được đặt tên theo tên của bà Om...” (Wikipedia)

Truyền thuyết là truyền thuyết, thực tế trước mắt ao Bà Om vẫn là một thắng cảnh đẹp, mang đầy bản sắc văn hóa của một vùng quê Nam bộ mà ít nơi nào có được. Ngang qua ao Bà Om, du khách tiến về phía trước nơi thấp thoáng tàn cây là ngôi chùa Âng cổ kính với những mái cong lẫn ngọn tháp cao vút. Đây là một đặc điểm rất dễ nhận biết của lối kiến trúc chùa chiền theo phong cách Khmer tạo dựng. Chùa nằm trong khuôn viên diện tích cả mấy hecta và cũng là một trong hệ thống 141 chùa Khmer độc đáo ở Trà Vinh mà chúng ta biết đến. Vẫn theo tài liệu trong Nam Kỳ lục tỉnh còn ghi và Wikipedia chép lại thì:
“Chùa Âng có tên Khmer là Angkorajaborey được xây dựng và hình thành từ cuối thế kỷ thứ 9 (Năm 990). Đến năm 1695 chùa được mở rộng và tiếp đến năm 1842 chùa được xây dựng lại bằng gỗ quý (rui, mè và 60 cây cột), lợp ngói và tường xây. Cổng chùa được xây dựng với ba ngọn tháp ở trên, có đắp hình chằn, hai bên trụ cổng là hình vũ nữ Kẽn naarr và tượng người đầu chim (Krũd). Chánh điện quay về hướng Đông tọa lạc nên nền cao 2m, mái của chánh điện được cấu tạo gồm ba cấp, hai mái trên cùng thì dốc và cao hơn mái còn lại. Các gò mái có thần rắn Naga, đuôi cong vút, tượng trưng cho sự dũng mãnh vĩnh cửu. Ở các đầu cột là những tượng vũ nữ Kẽn naarr và tượng người đầu chim (Krũd) với hai tay chống đỡ mái. Quanh chính điện có trụ cột, hàng rào với đầu thần Bayon bốn mặt, ngoài ra ở đây còn có tượng chằn Yeak mặc áo giáp với khuôn mặt dữ dằn…”

Như vậy chùa Âng hay còn gọi là Angkorajaborey chính là một trong những trung tâm Phật pháp lớn và cổ xưa của đồng bào và cư dân Khmer Nam Bộ. Cũng giống hầu hết các ngôi chùa khác ở Trà Vinh chùa Âng cũng chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Bởi vậy cho nên các bài trí cảnh quan xung quanh và trong lòng chánh điện đều lấy các sự tích xuất nguồn của Phật Thích Ca đản sinh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn là chủ đề trang trí chính cho ngôi chùa cả ngàn năm tuổi. Bên cạnh các truyền thuyết, các phong tục tập quán thì các dấu ấn hiện trạng nguyên vẹn ở chùa Âng còn lưu giữ đến ngày nay đều khẳng định việc thờ cúng và tín ngưỡng của cư dân quanh vùng ở đây hoàn toàn phù hợp với nét riêng của dòng hệ phái Nam Tông vốn có tự lâu đời trong đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân Nam Bộ. Nén nhang dâng lên nơi cửa Phật nhiệm mầu thay cho lời cầu nguyện để quốc thái dân an, để đất nước thịnh vượng, nhà nhà ấm no cũng là tâm ước của người hành hương từ nơi phương xa đến. Dẫu biết rằng thời gian là vô định và chỉ có thế giới tâm linh là tồn tại mãi mãi, nhưng cũng như bao lớp người từng đến từng đi từng ở lại những nơi linh thiêng này. Tất cả đều muốn một lòng hướng thiện cho bớt nặng sầu bi nơi chốn nhân gian vướng bận. Bởi thế cho nên đến được với cửa Phật đã là tâm duyên còn gần gũi được với cửa Phật lại càng cần tâm duyên hơn nữa… Du khách đi qua, nén nhang thơm dâng lên, tâm lòng gửi gắm, thời gian còn lại ai đó vẫn có thể dùng thói quen đến chùa mà thong dong dạo bước để từ từ cảm nhận sắc thái yên bình nơi miền quê yên ả.

Trà Vinh là một vùng đất còn chất chứa nhiều ẩn tích của liêu trai huyền hoặc. Sự kỳ bí trong nền văn hóa Nam Bộ lâu đời sẽ đánh thức đam mê tò mò của du khách muốn khám phá tiếp những nơi chưa biết, chưa đến. Phong tục tập quán, lối sống cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào Trà Vinh nói chung và tín ngưỡng của bà con Khmer nói riêng sẽ còn là nhiều câu hỏi, câu trả lời cho những ai muốn khám phá. Cảm nhận trực quan cho du khách một lần đến một lần đi qua miền đất có phong sương lối cũ, có sông nước trời mây, có đong đầy nắng gió sẽ là hoài niệm một thời chân bước. Chín nhánh Cửu Long nước chảy đôi bờ ấp ôm bảo bọc cư dân dọc triền tả hữu, biển Đông ngày đêm rì rào ngọn sóng chở che cho đất nước thanh bình. Tiếng trống dục, chiêng khua mang hồn thiêng vọng lại trên dòng Cổ Chiên ngang qua miền đất Trà Vinh sẽ làm gợi nhớ tới những chiến công vang dội của lớp lớp tiền nhân ta xưa từng mang quân đi khai bờ mở cõi. Địa linh sẽ tạo ra nhân kiệt, lịch sử mấy ngàn năm hình thành và phát triển tạo thành một di sản văn hóa vô giá. Từ đó xét về tiềm năng, Trà Vinh đang cần một sự định hướng lâu dài để một ngày gặp thiên thời có thể trở mình thức giấc vươn mình ra biển lớn từ chính sức mạnh của địa lợi nhân hòa như chúng ta từng thấy từng biết.
..
Mùa thu năm Bính Thân (2016)
Biên soạn lại theo bài viết trong Non nước trời Nam năm 2014
Nhà báo: Nguyễn Quang Vinh