Có thể nói Cambodia là cái rốn của hàng hóa giá rẻ quốc tế, tất cả các mặt hàng thông dụng từ các hãng sản xuất nổi tiếng ở châu Âu châu Mỹ Châu Á... đều có thể tìm thấy và mua được ở ngoài thị trường. Một đất nước mà thị trường tự do được nhà nước cho phép mở cửa thông thương cũng có cái hay. Hàng cũ hàng mới hàng còn dùng được kể cả hàng không còn dùng được cũng có thể tìm thấy ở các khu chợ tập trung. Người kinh doanh buôn bán ở Cambodia đến từ khắp nơi trên thế giới nhưng nhiều nhất là người bản xứ, người Trung Quốc và người Việt Nam.
Có thời gian dạo một vòng thăm thú những nơi chưa đến cho thỏa chí tò mò cũng là một việc tốn nhiều thời gian nhưng lại cũng thấy vui bởi có đi mới thấy Việt Nam ta tiếng vậy nhưng có những cái không bằng đất nước bạn được. Ví dụ như khu trung tâm mua sắm phương tiện giao thông thô sơ mà tiếng Việt gọi là xe đạp, khu này nằm ở khu vực ngoại ô nơi đây có đầy đủ các loại xe đạp đến từ khắp nơi trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Âu Châu và Mỹ. Để muốn được tự do đi lại bằng phương tiện truyền thống trong những lúc rãnh rỗi vậy là phải ghé tìm và mua một chiếc xe theo ý thích của riêng mình. So với ở Việt Nam thì xe đạp ở Cambodia rẻ và tốt hơn nhiều bởi các thương hiệu nổi tiếng từ trăm năm nay đều có thể tìm thấy.Xe mới thì đắt tiền hơn nhưng xe cũ tuy nhìn vậy nhưng tốt không kém bởi chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tên tuổi các thương hiệu xưa như: Peugeot, Aviac Marila, , Mercier, Follis, Joang Fonix, Sterling đều có thể tìm thấy ở nơi đây với những chiếc xe còn đầy đủ phụ kiện và phụ tùng đến tám chín chục phần trăm. Chú em chơi đồ cổ từ Việt Nam theo đi chơi cùng thích thú khi lựa được một chiếc xe đạp của nhật có từ thời đại chiến thế giới lần thứ 2. Chiếc xe ấy thường thấy trong các bộ phim chiến tranh xưa binh lính nhật hay chạy đi đưa công văn giấy tờ báo chí và tìn tức khẩn. Nhìn thì dính đầy bụi đất nhưng lau đi một cái thì bên trong lớp sơn còn nguyên zin đầy đủ không thiếu món gì. Một khoản tiền bằng một trận nhậu kha khá ở Việt Nam được chi ra ngay lập tức và thế là 1 tiếng sau có chiếc xe đạp vi vu trên đường phố. Tìm mua thì rất dễ nhưng cái khó nhất là đem được những chiếc xe đạp đó về Việt Nam. Nhà nước ta cấm nhập các thiết bị máy móc phương tiện đã qua sử dụng vào thị trường nên khi đem chiếc xe về Việt Nam phải qua cửa khẩu thế là rất dễ gặp cảnh " Xe ơi nằm lại ta về nhé" Mà nằm lại cửa khẩu coi như là mất luôn rồi, thế mới khổ cho cái thú đam mê và sở thích sưu tầm nhưng chiếc xe lại về tay chủ khác. Lúc trước có anh bạn đem chiếc xe đạp của Pháp về đến cửa khẩu mấy bác cán bộ thấy và không cho đi thế là tịch thu mất. Mình lại xin hoài nhưng nhất định không được bèn bảo anh bạn không được chơi thì ta phá chơi cho bỏ tức. Hai anh em bèn đi kiếm cây sắt và cục đá to đem vật ngửa chiếc xe đạp ra và cứ thế đập cho nát bấy ra mới chịu thôi. Các cán bộ cửa khẩu thấy thế tròn xoe mắt tiếc đứt ruột đứt gan vì không có luật nào cấm đập xe của mình nhất là xe đạp.
Dạo một vòng quanh khu chợ xe đạp để cho biết và tính kiếm một chiếc đem về Việt Nam để thi thoảng đi uống cà phê gần gần thì chạy ra cho vui. Hôm trước đem chiếc Steling màu đen về có cậu bạn đến chơi thế là dành mất còn nói là "Bác để em chơi bác qua đó suốt mai mốt mua cái khác". Đi Pnom Penh suốt và cũng có chút chút quen biết đường đi lối về bạn bè thân hữu thích thì thôi để cho cậu ấy cũng được vậy. Đi hoài tranh thủ ghé mua chiếc khác đem về chơi chứ biết sao giờ.
.....
18/9/2014- Nguyễn Quang Vinh