Võ thuật là chân giá trị của cuộc sống (GS Lương Ngọc Huỳnh)

Từ ngàn xưa con người đã tìm mọi cách để sinh tồn bằng mọi giá, trong đó có một việc vô cùng hệ trọng là bảo vệ được tính mạng của mình trước đời sống khắc nghiệt của thiên nhiên hoang dã.

Võ là để áp chế, và giải thoát, nghĩa là ta có thể dùng trí khôn, sức khoẻ, và sự sáng tạo linh hoạt trong mọi tình huống để bảo toàn được tính mạng và thành quả lao động của mình trước sự tấn công của thiên nhiên.
- Trời nóng quá người ta tìm sông nước để ngâm mình chống nóng, nhưng ở những nơi không có nước thì người ta đào hố, đào hầm trong lòng đất hoặc vào hang sâu để chống nóng, hay đến bóng mát của những tán lá... nhưng khi không có những điều kiện đó thì con người lại phải nghĩ ra cách hít thở nhẹ nhàng, hoạt động chậm lại, thư giãn tinh thần để làm cho cơ thể thích nghi với cái nóng.
- Trời lạnh quá người ta tìm đến lửa tìm đến chỗ khuất gió, tìm đến bất kỳ nơi nào có thể làm cho người ta đỡ lạnh. Nhưng khi mọi điều kiện đó không thể có thì con người lại vận động cơ thể, nín thở lâu hơn, để tự mình làm nóng thân mình...

Tương tự như thế con người luôn tìm tòi các phương pháp tốt nhất để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.
- Đi săn bắn hái lượm gặp phải núi cao đường xa, sông dài, thú dữ... con người phải luyện tập kỹ nghệ, tìm phương pháp tăng cường sức khoẻ để đáp ứng với mọi thử thách ấy.
- Gặp phải thú dữ hoặc một nhóm người khác tấn công mình thì con người lại nghĩ ra đủ cách để chống lại, chạy nhảy, leo trèo, ẩn nấp... khi không còn cách nào khác thì người ta dùng đất, đá, cây que, thậm chí là cả chân tay, đầu miệng... mà chiến đấu ngăn cản, xô đẩy đối thủ của mình.

Thế là tất cả mọi tinh hoa để duy trì bảo tồn sự sống của mình ta gọi là "võ" nó chính là áp chế lại mọi sự xâm phạm của thiên nhiên hoang dã để giải thoát và tự bảo vệ mình.
Mỗi người có mỗi cách giải quyết, ai có trí khôn thì dùng trí khôn, họ có thể sáng tạo, phát minh, và rất linh hoạt trong cách xử lý tình huống để đảm bảo an toàn sự sống cho mình.
Người nào thiếu trí khôn và kém trong phát minh sáng tạo, không linh hoạt trong các tình huống thì người đó phải lấy sức của mình mà chống đỡ.

Người hoàn hảo là người biết dụng mưu trí, và sức lực, biết sáng tạo và linh hoạt trong cách bảo vệ mình.
Người thiếu hoàn hảo là người thiếu mưu trí và linh hoạt mà chỉ biết dùng sức của mình xông lên áp chế đối phương và tự giải thoát mình.

Nhìn nhận về các khía cạnh này nếu người dụng mưu dụng lực, linh hoạt sáng tạo trong tư duy, lời nói, ứng xử, hành động... thì người đó được gọi là "văn võ song toàn".

Người mà chỉ biết dụng lực, kém về mưu lược, thiếu linh hoạt sáng tạo thì bị gọi là "võ biền"!
Những giá trị của mình không phải tự mình ngộ nhận hay bốc đồng nói ra! Mà là cái mình mang đến cho vạn vật xung quanh, ta gọi là thiên nhiên cảm nhận, tự thiên nhiên, tự xã hội hoang dã hay văn minh đánh giá về mình thì đó gọi là chân giá trị của chính mình, ta có thể áp dụng võ thuật để đảm bảo chân giá trị của cuộc sống là vậy.

Những người thông thái và thấu hiểu chân giá trị ấy lại mang kiến thức của mình truyền bá cho người khác thì được xã hội trân quý tôn vinh gọi là "thầy". Bất kỳ thông thái ở lĩnh vực nào mà truyền giảng, thuyết pháp, hướng dẫn cho người khác thì đều được tôn vinh là thầy ở lĩnh vực đó.

Thầy pháp, thầy tu, thầy giáo dạy chữ, thầy thuốc, thầy võ, thầy thợ... trong tiếng hán có cách gọi chung là "sư" thế là thay vì gọi là thầy thì người ta gọi là Pháp sư, Nhà sư, Giáo sư, Y sư, Võ sư, Kỹ sư... khi ai đó được người thầy nuôi dạy ăn học lo lắng cho mình như con thì người thầy đó được trân quý mà tôn vinh là "sư phụ". Giống như người cha thứ hai của mình.

Vậy nên giá trị cuối cùng của trí tuệ, sáng tạo, linh hoạt, và sức lực mà ta thường gọi là "võ" cũng chỉ là một người thầy (sư) đúng nghĩa. Để thiên nhiên cảm nhận, để xã hội gọi mình bằng thầy là rất khó, người được gọi bằng thầy phải biết cái giá trị của mình, từ đó mà không ngừng tu tâm, tích đức, rèn luyện, để xứng đáng với niềm tin yêu của xã hội, đó mới là người thầy chân chính, đó mới là con đường làm thầy mà ta gọi là "đạo". Phật cũng là thầy, Chúa cũng là thầy, Lão Tử cũng là thầy... các vị ấy tuyền pháp giảng kinh được nhân dân tôn kính phong thần mà gọi là "ngài" hay "đức ngài" chân giá trị của các vị ấy vượt khỏi thời gian, không gian, thành con đường chân lý mà loài người đi theo nên mới gọi là "Đạo".

Phật có xưng danh là "đại phật" Chúa có xưng danh là "đại chúa" Lão Tử có xưng danh là "đại pháp" đâu? Sao con người lại tôn kính đến vậy?. Phải chăng đó là chân giá trị mà các vị ấy mang lại?

Tôi là người sáng lập ra môn phái võ thuật mang tên "Lâm Sơn Động". Được các học trò của mình gọi là thầy, thầy võ, võ sư, sư phụ... là tôi đã thấy mình hạnh phúc lắm rồi, trong tâm mình tôi cảm nhận được chân giá trị của võ mà các học trò của tôi đã truyền lại cảm hứng cho tôi.

Gần đây Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam có quy định lại đai đẳng màu đai và cấp bậc tôi thấy chưa thấu tình đạt lý để cho nhiều bạn bè của tôi, học trò của tôi ở trong nước và quốc tế hỏi nhiều về điều này, nay tôi viết bài này cũng chỉ để các vị trong Liên Đoàn suy nghĩ và tham khảo sao cho thấu tình đạt lý cả về "đạo" và "đức".

- Về màu đai ta nên quy định theo nguyên lý tương sinh của ngũ hành, từ đó mà phân cấp cho phù hợp.
- Về cấp bậc ta nên dừng lại ở chữ " Thầy "(võ sư) thế là đủ lắm rồi. Thầy nào có tâm giúp được nhiều học trò được tôn vinh là "sư phụ" đó là chân giá trị cuối cùng của võ đạo.

Chúng ta nên quy định ở ba cấp là võ sư, huấn luyện viên, trợ giảng... vậy thôi.

Nên thu hồi lại quyết định phong "đại võ sư quốc tế" "đại võ sư" "võ sư cao cấp".... bởi trên thế giới không biết có nước nào công nhận điều này chưa? có nước nào phong danh hiệu này không? Như thế chúng ta có nên không?

Tôi cũng khuyên các đại võ sư quốc tế hay đại võ sư, hay võ sư cao cấp nên nghĩ lại danh xưng này, chúng ta cần khiêm tốn và chỉ nên dừng lại ở chữ "thầy" như vậy nó phù hợp hơn với thuần phong mỹ tục và danh ngôn của Việt Nam.

Kính chúc các thầy và các em học sinh đang học võ ở mọi khía cạnh trong chân giá trị cuộc sống luôn an lành, trí tuệ, mạnh khoẻ, sáng tạo linh hoạt, tâm sáng, đạo cao vạn sự như ý.

Tôi xin trân trọng cảm ơn các thầy và các bạn.
Hà nội ngày 19-6-2017
Chưởng môn phái Lâm Sơn Động
Thầy Lương Ngọc Huỳnh