Truyện ngắn hài: Chia tay bằng thơ Kiều (Vũ Huy Tưởng)

Cô gái đưa người yêu về thăm quê Cụ Nguyễn trước khi đi học xa.Khi dâng hương, nghe rõ tiếng chàng trai khấn:”… Tiếng thơ ai động đất trời/Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ “Quê vợ” nổi tiếng Nguyễn Du/Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày …!”Cô gái cười thầm :
-À ! Hắn vơ vào, Chưa chi đã “quê vợ” (!)Đồ láu cá ! Nhân đây phải thử tài hắn xem là vàng thật hay đồng thau. Nghe đồn thơ văn hắn giỏi lắm ! Bèn nói:
-Hôm nay anh em mình gặp nhau để tạm biệt .Lại đúng vào dịp kỉ niệm của cụ Nguyễn .Vì vậy em có một đề nghị : Để cho có ý nghĩa, ai muốn bày tỏ cái gì cũng phải kèm thơ Kiều , hay chế thêm tí chút cũng được, để giãi bày,minh họa . Anh đồng ý không ?
-Đúng võ của anh .OK !
Hai người ra ngồi bên hồ cạnh hàng liễu rủ. Phong cảnh hữu tình .”Dưới cầu nước chẩy trong veo /Bên cầu tơ liễu bóng chiều thượt tha”. Chàng nàng càng bịn rịn ,nhớ nhung. Xa xa là dãy Trường Sơn trùng điệp nhấp nhô xanh thẫm . Anh chàng liền ngâm nga thổ lộ :
-”Long lanh đáy nước in trời /Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng…/Bên nhau ngắn chẳng đầy gang/…Một lời trân trọng,nghe càng thêm đau…/ Ông tơ ghét bỏ chi nhau /Chưa vui xum họp đã sầu chia li…/Đau lòng kẻ ở người đi /Lệ rơi thấm đá ,tơ chia rũ tằm…” !
- Hắn rõ ràng là tài . Thuộc Kiều mà lại còn ghép được các câu xa nhau để hợp ý, hợp cảnh,lại cho vần được là rất giỏi.Trong lòng đã phục lắm liền nói:
-Em là phận gái chẳng mấy mà già . Lúc này chưa con cái, chẳng ngại khó khăn mà vươn lên, không thì hỏng đại sự:”Phận bèo chẳng quản nước sa/ Lênh đênh cơ cực cũng là vì ai”! Và tính sao cho phải trọn vẹn sau trước:”Thương sao cho trọn thì thương /Tính sao cho vẹn mọi đường xin vâng” ! Em xin hứa :”Trăng thề còn đó trơ trơ/ Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”…Chúc anh ở lại :”Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho vui lòng kẻ chân mây cuối trời”… !
Anh chàng phục cô gái ,vừa giỏi Kiều cũng vừà giỏi thơ.Đúng là tri kỉ ,tri âm .Càng nể phục càng đắm say,càng nồng nàn tấm yêu liền thổ lộ ,lắm lúc anh như người mất hồn vì em:
-”Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê/Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao” . Rồi buông lời ỡm ờ:
-“Giữ làm sao, ở nước ngoài / Nhị đào thà bẻ cho người tình chung/Trách lòng hờ hững với lòng/Lửa hương mà để lạnh lùng làm chi/Thương nhau xét tấm tình si/Thiệt đây mà có ích gì đến ai …” (!) Đã đến giới hạn đỏ ,cô gái đẩy anh chàng ra và nói :
-“Thưa rằng đừng lấy làm chơi /rẽ cho thưa hết một lời đã nao/Vẻ chi một đóa yêu đào/ Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh” ! Anh giỏi Kiều .Có câu này em chưa hiểu nghĩa, nhờ anh giảng giúp :”Đã cho vào bậc bố kinh /Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu…”là thế nào ?
-Đấy là chuyện kể về nàng Mạnh Quang là vợ Lương Hồng đời hậu Hán.Nàng Mạnh Quang nết na thủy chung khi chồng chưa đỗ quan thì ăn mặc bằng vải bố,nâu sồng ,dân dã. Khi chồng đỗ làm quan thì lập tức thay đổi diêm dúa liền bị chồng nhắc nhở nhẹ .Nàng liền quay lại mặc đồ như ngày còn nghèo.Bố kinh là chữ “kinh thoa bố quần”, chỉ quần áo bằng vải. Từ đó chữ bố kinh dùng để chỉ người vợ hiền thục, thủy chung . Còn đạo tòng phu là lấy chồng phải theo chồng. Xuất giá tòng phu.Trinh tiết vững bền cho một chồng không thay đổi… !
Thấy anh chàng đã mắc mưu mình, liền nhẹ nhàng :
- Anh nói hay lắm! Bây giờ phụ nữ chúng em sống thoáng hơn. Việc vá víu trinh tiết cũng dễ, nên nhiều người sống buông thả,rồi lừa dối nhau vì tình tiền là chuyện không hiếm.Nhưng em không thuộc trường phái đó. Em ưa sự thủy chung .Vả lại em gìn giữ là giữ cho ai đây? .Với lại, em không muốn lừa dối người mình sẽ lấy làm chồng, ngay từ đêm tân hôn:
-“Đừng điều nguyệt nọ hoa kia / Ngoài ra ai có tiếc gì với ai ../Cùng nhau trót đã nặng lời/Dẫu thay mái tóc dám rời tri âm…/Đã nguyền hai chữ đồng tâm/Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai…” !
Chàng trai vừa nể vừa phục cô gái:
-”Thấy lời đoan chính dễ nghe/ Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân” …Rồi nói tiếp :
-“ Còn non còn nước còn dài/Khi về vẫn nhớ đến người hôm nay/ Rút Ipad 6 trao tay/ Của tin gọi một chút này làm ghi…” !
Cô gái gật đầu cảm ơn rồi nhận … Bất ngờ ôm hôn chàng trai say đắm trước khi chia tay đi học xa !
Vũ Huy Tưởng -HN
⇒Xem thêm: Truyện ngắn: chiêu bí truyền (truyện thư giãn của Vũ Huy Tưởng)